1. Câu chuyện du học sinh làm thêm ở Úc
Nhân dịp sang Úc công tác, tôi tranh thủ bước chân ra phố phường để khám phá đất nước Úc mới lạ. Nơi đầu tiên tôi muốn đến là khu trung tâm thương mại của người Việt ở Cabramatta. Điều dễ nhận thấy nhất là những người giúp việc trong các cửa hàng bán đồ ăn, các quầy hàng bán thực phẩm và nhu yếu phẩm sinh hoạt đa phần là những gương mặt độ tuổi 18 – 20. Không giống như ở bên Việt Nam khi ở các chợ truyền thống người Việt luôn là độ tuổi trung niên.
Thấy lạ, tôi liền tiến tới hỏi thăm một bạn nữ trông xinh xắn, khoảng 20 tuổi, đang nhặt rau tại một quầy bán rau xanh. Cô gái trẻ tên là Mai, hiện đang học thêm tiếng Anh để đủ điều kiện tham gia vào khóa học chính thức tại trường Macquarie University. Mai cho biết: ‘Kỳ nghỉ hè này em không về Việt Nam mà muốn ở lại tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập nhằm trang trải chi phí sinh hoạt cũng như đóng tiền học phí học kỳ tới”. Hiện Mai đang thử việc được 3 ngày, trong khi không biết có được nhận vào làm hay không.
Ngắt đứt cuộc trò chuyện, cô gái xinh xắn cùng một bạn nữa đi vội ra xe tải, vận chuyển nhiều thùng rau quả vào quầy theo phân công của chủ quầy. Sau mấy hôm quay lại, tôi đã thấy Mai làm việc ở đó. Cô gái trẻ cho biết, cô được nhận làm với mức thu nhập 60 AUD (đơn vị tiền tệ Úc) cho một ngày làm việc 8 tiếng. Chia ra, cô nhận chưa đến 8 AUD cho một giờ làm việc.
Các quầy rau xanh 3 quầy hàng, cũng có một nam sinh viên làm thêm ở quầy giải khát. Hỏi thêm, tôi được biết cậu sang Úc được 3 năm. Hiện đang được trả thù lao 10 AUD cho mỗi giờ làm việc.
Mức lương chung cho các du học sinh Việt Nam ở khu chợ người Việt tại đây cũng chỉ dao động từ 8 đến 10 AUD một giờ. Tuy nhiên, việc dành cho các nam sinh vất vả hơn nhiều khi làm ở các hàng cá, thịt. Hoàng Nam, một du học sinh Việt tại trường đại học Western Sydney, kể lại lần thử việc của mình tại một tiệm thịt ở Toongabie: “Em từng thử việc không lương tại một quầy thịt trong 4 ngày, mỗi ngày gần 11 tiếng với nhiệm vụ chủ yếu là pha thịt ra từng tảng nhỏ. Công việc rất nặng nhọc song vẫn nằm trong khả năng của Nam. Tuy nhiên, sau 3 ngày làm việc, Nam đành nghỉ vì không thấy chủ quầy có trao đổi gì thêm.
Hiện tại, Nam đã tìm được một chân làm dọn dẹp nhà cửa cho một căn hộ tại Paramatta với mức lương 16,5$/giờ. Đây có thể coi là một mức thu nhập đáng mơ ước với mọi du học sinh tại đây.
Hiện tượng cung vượt quá cầu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mức lương làm thêm dành cho du học sinh thấp hơn hẳn mức lương tối thiểu mà chính phủ Úc đặt ra. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này là tình trạng các du học sinh muốn làm quá số giờ được phép làm thêm trong tuần và sự lách luật của các chủ hàng người Việt.
Theo thống kê của Cục Đào tạo với Nước ngoài (Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam), hiện có khoảng 25.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Úc. Trong đó, chỉ có khoảng 10% là đi theo diện học bổng toàn phần. 90% còn lại ít nhiều đều phải đối mặt với áp lực tìm kiếm một công việc để trang trải phần nào sinh hoạt phí.
2. Giới chủ nói gì?
Được biết, mức lương từ 8$-12$/giờ là mặt bằng chung của nhiều shop của người Việt. Lý giải về mức lương này, cô Phan Thị H., chủ một lò bánh mì so sánh: “Một người bán bánh mì có nhiều năm kinh nghiệm, có xe riêng, bắt đầu làm việc từ 6g sáng cũng chỉ được trả 110$-120$/ngày (12 tiếng) thì làm sao trả cho sinh viên không kinh nghiệm, không xe riêng, giờ làm không cố định nhiều hơn mức đó được!”
Trả cho một nữ sinh bán hàng và phụ việc linh tinh trong shop cho mình 8$/giờ, một bà chủ khác phân trần về đủ các chi phí mà bà phải trả hàng tháng như tiền thuê mặt bằng, tiền điện, nước, ga… rồi bà nói thêm: “Làm cho Tây có thể lương cao hơn, nhưng sau khi trừ thuế này nọ thì cũng vậy thôi mà!