Nước Úc là một nước khá bao dung với người từ những nền văn hóa khác. Mặc dù Úc có rất nhiều phong tục tập quán, mỗi thành viên trong cộng đồng luôn được khuyến khích duy trì và chia sẻ những giá trị văn hóa và tôn giáo trong khuôn khổ Pháp luật cũng như tôn trọng quyền của những người khác. Để thích nghi với cuộc sống ở cộng đồng Úc, điều quan trọng là nhận thức của các du học sinh về những phong tục này.
Người Úc dùng nhiều cách nói hay những tiếng lóng có thể nghe lạ tai đối với người mới đến Úc. Nếu không hiểu , bạn có thể hỏi những câu nói đó có nghĩa là gì. Sau đây là một số thí dụ:
- Bring a plate – khi được mời đến một buổi họp mặt xã giao hay liên quan đến công việc và người ta nói bạn “bring a plate”, có nghĩa là khi đến bạn nhớ đem theo một món ăn để mọi người cùng nhau thưởng thức.
- BYO – đây là chữ tắt của “Bring Your Own”, có nghĩa là bạn tự cung cấp nước giải khát như rượu, nước trái cây, nước ngọt hay nước lạnh. Một số nhà hàng có BYO thì khi đến những nhà hàng này, bạn có thể đem theo rượu đã có sẵn, tuy nhiên thường thì bạn phải trả tiền cho nhà hàng vì họ cung cấp ly và rửa ly cho bạn – tiền phụ trội này gọi là “corkage”.
- Fortnight – fortnight có nghĩa là hai tuần lễ. Nhiều người Úc được trả lương mỗi hai tuần.
Cách ăn mặc
- Úc là xã hội đa chủng tộc nên không có một quy định cụ thể nào về cách ăn mặc, mặc dù cũng có một số yêu cầu về cách ăn mặc trong một số tình huống. Bao gồm giày an toàn, nón bảo hộ ở công trường hoặc đồng phục cho cảnh sát, quân đội hay các tổ chức khác.
- Phần lớn các cơ quan đều có đồng phục chuẩn. Bên ngoài công sở, cách trang phục tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Rất nhiều người ăn mặc tùy theo tình huống xã hội và thời tiết. Các câu lạc bộ, rạp chiếu phim và một số nơi khác đòi hỏi phải ăn mặc gọn gàng, phù hợp.
- Nhiều người Úc sống gần bờ biển. Chính vì vậy mà họ có truyền thống ăn mặc thoải mái khi ở bãi biển hoặc các khu vực xung quanh đặc biệt là những ngày trời nóng. Điều này không có nghĩa là những người ăn mặc theo kiểu đi biển là những gái mại dâm hay lả lơi. Những va chạm không đúng lúc là không thể chấp nhận được cho dù ngừơi ta có mặc đồ kiểu gì đi chăng nữa. Mọi người đều được pháp luật bảo vệ khỏi sự tấn công thân thể.
- Nhiều người Úc đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau nên ăn mặc theo phong cách truyền thống có thể theo phong cách tôn giáo hoặc phong tục như áo dành cho các thầy tu, khăn đội đầu… cũng là một phần phản ánh tôn giáo và niềm tin và nó đáng được khuyến khích. Nhiều người đến lập nghiệp ở đây không hẳn phải mặc đồ truyền thống.
Phép lịch sự
- Người Úc thường nói “please” (xin vui lòng, hoặc làm ơn) khi muốn hỏi xin hay cần giúp điều chi và thường nói “thank you” (cảm ơn) khi được người khác giúp đỡ hay cho một thứ gì. Không nói “please” hay “thank you” bị coi là bất lịch sự.
- Người Úc thường nói “excuse me” (xin lỗi) khi muốn được người khác chú ý tới mình và “sorry” (xin lỗi) khi họ tình cờ đụng chạm hay va vào người khác.
- Người Úc cũng nói “excuse me” hay “pardon me” (xin lỗi) khi ợ nơi công cộng hay tại nhà người khác.
Về gặp gỡ và đàm phán
- Bạn nên đúng giờ trong các cuộc họp hay các buổi hẹn. Trong trường hợp đến trễ bạn nên liên lạc cho người ta biết trước. Điều này rất quan trọng trong các cuộc hẹn gặp chuyên nghiệp bởi bạn có thể bị phạt tiền nếu trễ hẹn hoặc bỏ buổi hẹn mà không thông báo trước. Người luôn trễ hẹn thường được coi là ngừơi không đáng tin.
- Nếu bạn nhận được thư mời đi tham dự một dịp tiếp tân hay họp mặt nào đó, trong thư mời có thể có chữ ‘RSVP’ bên cạnh có đề ngày. Đây có nghĩa là người gửi thư mời muốn biết bạn có thể đến tham dự được hay không. Và theo phép lịch sự bạn nên trả lời cho họ trước ngày đó.
Ứng xử nơi công cộng
- Đa số người Úc xì mũi vào khăn tay hay khăn giấy chứ không xì mũi lên hè đường. Khạc nhổ cũng vào khăn tay hay khăn giấy chứ không khạc nhổ lên hè đường. Nhiều người Úc nói “bless you” (chúc phước) khi người khác hắt hơi (hắt xì) – đây là thói quen chứ không có ý nghĩa tôn giáo.
- Một số cách hành xử không những bị coi là bất nhã mà còn trái luật. Thí dụ như chửi thề nơi công cộng, xô đẩy dành chỗ đứng khi xếp hàng, tiểu tiện (đi tiểu) hay đại tiện (đi cầu) ở bất cứ chỗ nào khác ngoại trừ ở nhà tiêu công cộng hay tư nhân.
Gặp gỡ và giao thiệp
- Khi gặp người nào đó lần đầu tiên, thông thường bạn phải bắt tay bằng tay phải của mình. Ngoài ra, những người không quen biết nhau thường không ôm hoặc hô nhau khi mới gặp.
- Nhiều người Úc nhìn thẳng vào mắt người khác khi họ trò chuyện và coi đó như là sự kính trọng và cho thấy đó là dấu hiệu của sự lắng nghe. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm cho một số người cảm thấy khó chịu hay xấu hổ.
- Khi tiếp xúc với người khác lần đầu tiên, người Úc thường không cảm thấy thoải mái khi phải đặt câu hỏi hoặc bị hỏi những câu hỏi liên quan đến tuổi tác, tình trạng hôn nhân và tài chính.
- Khi được giới thiệu với người khác bằng tên riêng hoặc được yêu cầu xưng hô bằng tên riêng, bạn có thể xưng hô bằng “tên riêng” còn thường thì bạn nên dùng “họ” khi xưng hô với người mới gặp (thí dụ như Mr Wong, Ms Smith, Mrs Brown, Dr Lee). Tuy nhiên, người Úc thường gọi nhau bằng “tên riêng” nơi làm việc hoặc giữa bạn bè với nhau.
Một số điều cần lưu ý khác
- Khác với người Nhật hay người Hàn thì tặng quà không phải là nét văn hóa phổ biến của người Úc nhưng nếu như bạn có ý định tặng quà cho họ thì bạn cần có sự lựa chọn rất kỹ lưỡng để thể hiện sự tôn trọng đối với họ.
- Người Úc rất thích thể thao vì thế họ thường rất thích bàn luận về các chủ đề thể thao ngay cả trên bàn đàm phán.
Nguồn Du học,