Du học sinh Mỹ tốt nghiệp đại học chọn nơi có cuộc sống mới, họ không chỉ nhìn tới những nơi mọi người vẫn thường nghe nói tới, như New York, Washington và San Francisco.
Hiện ngày càng có nhiều thành phố lớn khác ở Mỹ đang đón nhận những người trẻ quý giá này, đạt đến một tỉ lệ rất cao, như ở Denver, San Diego, Nashville, Salt Lake City và Portland ở tiểu bang Oregon, theo bản báo cáo của City Observatory, một cơ quan nghiên cứu mới, được công bố đầu tuần này.
Và trong bối cảnh người trẻ vẫn tiếp tục rời khu ngoại ô về sống trong thành phố, ngày càng có nhiều người trong họ chọn sống ở ngay khu vực trung tâm ở nhiều thành phố đang gặp khó khăn về kinh tế như Buffalo và Cleveland. Con số người trẻ tốt nghiệp đại học, tuổi từ 25 đến 34, sống ở quanh khu vực cách trung tâm chỉ 4 km đang tăng cao, thêm 37% từ năm 2000, ngay cả khi dân số của những nơi này có giảm xuống.
Một số thành phố ở Mỹ hiện đang thu hút các tài năng trẻ trong khi dân số nói chung đang giảm, như Pittsburgh và New Orleans. Và cũng có những nơi người ta nhìn thấy diễn tiến ngược lại, như ở Atlanta và Charlotte, đang gặp khó khăn để thu hút người trẻ.
Và trong khi người Mỹ nói chung nay đã giảm bớt việc dời đổi nơi ở, người trẻ có bằng đại học tiếp tục di chuyển với một số lượng cao, khoảng 1 triệu người ra khỏi tiểu bang của mình mỗi năm. Những người thuộc lớp “trẻ và không ở yên một chỗ” này thường không chọn ở cố định một nơi nào đó cho tới khi họ ngoài 30. Nơi họ chọn để dừng chân sẽ giúp cho các thành phố có năng lực tiềm tàng để có được phát triển kinh tế tương lai.
“Hiện có nhiều chứng cớ cho thấy những nơi nào thu hút được người trẻ có học vấn cao sẽ là những nơi thành công về lâu về dài,” theo lời Edward Glaeser, một kinh tế gia Harvard và là tác giả cuốn sách “Chiến Thắng của Thành Phố – Triumph of The City.”
“Chính sách phát triển kinh tế thành công nhất là thu hút và giữ chân những con người thông minh rồi để họ làm công việc của họ,” ông Glaeser nói.
>> Xem thêm: Du học Mỹ: Những cám dỗ du học sinh cần né tránh
Ảnh hưởng kinh tế của giới trẻ này vượt hơn cả công việc làm của họ, theo Enrico Moretti, một kinh tế gia tại đại học UC Berkeley, và là tác giả cuốn sách nghiên cứu về sự phân bổ của việc làm “The New Geography of Jobs.”
Ông Moretti thấy rằng cứ mỗi một người tốt nghiệp đại học đến làm việc trong một ngành kỹ nghệ có liên quan đến nghiên cứu, phát triển, họ giúp tạo ra năm công việc khác trong thành phố, như phục vụ khách trong nhà hàng, thợ mộc, bác sĩ, kiến trúc sư và nhà giáo.
“Đây là một hình thức phát triển nối tiếp – thành phố càng có nhiều người làm việc trẻ thì lại càng có nhiều công ty muốn dọn đến hoạt động và dẫn đến có thêm nhiều người trẻ muốn tới nơi này,” ông Moretti nói.
Hiện có thêm khoảng 25% người trẻ tốt nghiệp đại học sống ở các khu thị tứ lớn, so với con số năm 2000. Tỉ lệ này cao hơn gấp đôi so với mức phát triển nhân số của các đô thị.
Tất cả 51 khu thị tứ lớn nhất nước Mỹ, ngoại trừ Detroit, đều có thêm người trẻ tốt nghiệp đại học, do việc di chuyển đến thành phố hay do người dân cư trú nơi đây tốt nghiệp đại học.
Denver nay trở thành một trong những nơi thu hút giới trẻ có học thức mạnh mẽ nhất. Tổng số thành phần này ở Denver đã tăng 47% kể từ năm 2000, gấp đôi sự phát triển ở New York. Có khoảng 7.5% dân Denver thuộc vào thành phần này, cao hơn mức trung bình 5.2% trên toàn quốc, và cũng cao hơn ở mọi nơi khác ngoại trừ Washington, vùng Bay Area ở California và Boston.
Những thành phố khác nay có số lượng lớn người trẻ có học thức là San Diego, Baltimore, Pittsburgh, Indianapolis, Nashville, Salt Lake City và Portland, thuộc tiểu bang Oregon.
Ở chiều đối nghịch là các thành phố với số cư dân trẻ có bằng đại học chiếm chưa tới 4% tổng số dân. Một thí dụ điển hình, Detroit đã mất khoảng 10% cư dân thuộc lớp này, trong khi thành phố Providence chỉ thêm có 6% và Memphis thêm 10%.
Atlanta, một trong những nơi thu hút giới trẻ mạnh mẽ nhất trong thập niên 90, nay đã bị rớt đài. Sĩ số người trẻ, có bằng đại học, của thành phố này chỉ tăng có 2.8% từ năm 2000.
Tỉ lệ người trẻ có học thức ở Dallas, Charlotte và Raleigh hiện cũng đang gia tăng chậm chạp hơn là so với tổng số dân của những nơi này.
Liệu khuynh hướng dọn về trung tâm thành phố của thành phần người trẻ này sẽ tồn tại được bao lâu là điều chưa được biết. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu dân số tiên đoán rằng nhiều người trong số này sẽ tiếp tục ở lại khi họ lớn tuổi hơn. Sự hiện diện của họ không chỉ giúp phát triển kinh tế thành phố, nhưng cũng giúp giảm mức độ tội phạm và giúp cải thiện hệ thống giáo dục công. Nếu chiều hướng này tiếp tục, những nơi như Pittsburgh và Bufallo sẽ có được một vai trò mới, vai trò của những thành phố tái phục hồi.
Theo Người Việt Online,