Vừa đi học vừa đi làm đối với nhiều sinh viên là chuyện… đương nhiên. Không phải chỉ có những du học sinh được bố mẹ trả học phí mà cả những sinh viên có học bổng 322 (khoảng 800AuD/tháng),)… cũng “cầy bừa” thêm. Điều này cũng không ngoại lệ đối với những sinh viên lớn lên tại Australia.
Công việc đa dạng, thời gian đi làm dài ngắn tùy ý và đồng lương được nhận cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, một điều thấy rõ là ngoài một số rất ít vẫn giữ được kết quả học tập khá giỏi, đa số sinh viên đã để cho việc phụ ( đi làm thêm) ảnh hưởng không nhỏ đến việc chính yếu (đi học).
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, du học sinh Việt Nam tại Úc thường tranh thủ làm thêm để có thêm chút thu nhập. Nhìn chung, họ làm đủ việc từ chạy bàn, phụ bếp, dọn dẹp, bán hàng đến gia sư, lấy ý kiến khách hàng, thậm chí còn có việc đứng đếm xe chạy trên đường, xem lưu lượng giao thông.
Anh Tuấn, sinh viên thiết kế đồ họa Trường RMIT, cho biết: “Với một tuần hai buổi làm ở tiệm phở, tôi được 200 đô Úc (AUD), vị chi một tháng được khoảng 800 đô (1 AUD ~~ 13.700 đồng VN). Tiền nhà mất từ 300-400 đô; tiền nước rất rẻ, khoảng 20 đô; tiền điện đắt hơn một chút; tiền ăn khoảng 300 đô. Vậy một tháng cũng chưa hết 800 đô. Đó là chưa kể thu nhập từ hai chỗ làm khác nữa, tất cả tôi đều để dành”.
Theo Tuấn, nếu muốn trang trải tiền học phí ở Úc, du học sinh một tuần phải làm ít nhất bốn buổi. Vào thời gian nghỉ, cả tuần phải làm đủ bảy ngày, mỗi ngày 12 giờ, có khi hơn. Tuấn cho biết trên thực tế, một số bạn đã “cày” liên tục ba tháng hè để kiếm khoảng 10.000 đô đóng học phí.
Bạn Trần Hải Yến, đang lấy bằng cao học kế toán tại Học viện kỹ thuật Swinburne ở Melbourne, cho biết: “Khi còn ở Việt Nam chỉ nghĩ đơn giản sang Úc học; nhưng lúc đổi tiền Úc sang tiền Việt Nam thì thấy nó lớn quá, với lại cũng còn phải mua sắm nhiều thứ, thuê nhà cửa, nên phải đi làm để giúp bố mẹ, chứ tôi cũng không muốn đi làm vì sợ ảnh hưởng tới việc học”.
Đỗ Thế Phong, vừa tốt nghiệp cao học công nghệ thông tin, thuật lại: “Khác với du học sinh được học bổng không phải lo tiền ăn ở, học phí; tôi đi học tự túc nên phải vừa đi học vừa đi làm vì giá sinh hoạt ở Úc đắt hơn VN nhiều”.
Cách tìm việc làm ở Úc
Một nguồn thông tin quí báu mà du học sinh Việt Nam có thể trông cậy là kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Ngoài ra cũng có một số nguồn khác như tra cứu việc làm ở trang web của trường định học, tìm kiếm ở trang web www.seek.com, hoặc đọc báo (nếu muốn làm việc cho người Việt thì đọc báo của cộng đồng người Việt, còn nếu muốn làm cho người Úc thì đọc báo tiếng Anh, các công việc thường đăng ở trang cuối).
Bên cạnh đó, trường nào cũng có hội sinh viên và dịch vụ giúp đỡ du học sinh tìm việc làm thêm. Khi cần, du học sinh có thể đến các nơi này để được tư vấn miễn phí. Ngoài ra, các trang web của cộng đồng du học sinh cũng là một nguồn mách bảo việc làm đáng tin cậy.
Những điều đáng lưu ý khi đi làm thêm
Chính phủ Úc qui định mỗi sinh viên trong thời gian học chỉ được làm thêm không quá 20 giờ/tuần, riêng trong các kỳ nghỉ có thể làm toàn thời gian. Về thủ tục, sau khi đến Úc, để được làm thêm sinh viên phải xin visa làm việc.
Ngoài ra theo qui định, du học sinh nhận lương qua ngân hàng với mã số thuế. Tuy nhiên, nhiều chủ sử dụng lao động và cả du học sinh đều ít khi ký hợp đồng mà dùng hình thức trả tiền mặt. Do đó, du học sinh sẽ gặp khó khăn vì nếu có tranh cãi về quyền lợi lao động thì khó khiếu nại với nhà chức trách. Hơn nữa ở Úc, nếu đã có tiền lệ vi phạm luật về thuế thì sự nghiệp trong lĩnh vực công hay trong những ngành nghề đòi hỏi tính liêm chính cao sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài những vấn đề như lương bổng, giờ giấc làm việc, điều kiện lao động, du học sinh Việt Nam còn có một vấn đề tế nhị liên quan đến chủ Úc với chủ Việt. Hoàng Minh Trung – sinh viên Đại học Melbourne – có quá trình trải nghiệm qua những công việc bán hoa quả ở chợ cho chủ Úc, làm bồi bàn cho hiệu ăn Trung Quốc, rồi đến cửa hiệu pizza của người Ý và hiện là một quán ăn người Việt: “Các nhà hàng Việt Nam hay Trung Quốc thường trả từ 8,5-9 đô, cùng lắm là 10 đô. Lúc mới học việc chỉ được khoảng 8 đô, sau đó tiền công được tăng thêm chút ít. Trong khi đó, chủ Úc có thể trả tiền mặt từ 12-14 đô. Vì vậy, nếu làm cho chủ người Việt hay Trung Quốc suốt 12 giờ, sinh viên chỉ nhận được 100-120 đô Úc là cùng, trừ nhiều nơi thực khách có thể cho thêm tiền boa”.
Đi làm thêm: trường học từ cuộc sống
Hoàng Minh Trung cho rằng lợi ích đầu tiên là kiếm thêm thu nhập nhất định. Cái lợi thứ hai là khả năng tiếp xúc với người bản xứ và cả người tứ xứ, từ đó hiểu được cách suy nghĩ của người nước khác. Tương tự, khả năng giao tiếp về ngôn ngữ, thực hành cũng được cải thiện.
Tuy nhiên, Trung nhìn nhận: “Nếu không phải đi làm, sinh viên Việt Nam học rất giỏi; nhưng vì mỗi tuần phải bỏ sức lao động từ 1-2 ngày, liên tục 12-13 giờ/ngày trong điều kiện làm việc ồn ào hoặc phải mang vác nặng nên sinh viên cảm thấy rất mệt mỏi. Để hồi phục phải mất một ngày. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc học, những hôm sau tôi thường phải dậy rất muộn”.
Anh Tuấn cũng nhận định: “Đã đi làm thì tất nhiên phải chịu ảnh hưởng. Đối với những bạn mới sang, chỉ nên làm từ 1-2 buổi/tuần”.
Đỗ Thu Hà – sinh viên Đại học Victoria – nêu ra khía cạnh thiết thực hơn: “Tôi nghĩ đi làm thêm giải tỏa cho bạn những căng thẳng, khi có quá nhiều bài vở, vì nếu chỉ học không thì cũng không hiệu quả mà nên kết hợp với nhiều hoạt động khác… Thật ra mỗi nơi làm việc tôi cũng học được nhiều điều rất hay mà trước đó tôi không hề biết. Bây giờ làm ở siêu thị bán đồ nội thất, tôi học được cách quản lý công việc để sau này tôi cũng có thể mở một siêu thị… nhỏ chẳng hạn”.
Theo mạng du học,