Phần lớn du học sinh Việt Nam ở Úc đi theo con đường học bổng bán phần hoặc là tự túc. Do đó, tìm kiếm một công việc làm thêm để trang trải cho các chi phí trong sinh hoạt là một xu hướng tất yếu mà hầu như du học sinh nào cũng nghĩ tới khi lên kế hoạch đi du học. Tuy nhiên, để có một công việc làm thêm tốt, phù hợp với khả năng cũng như chương trình học của mỗi du học sinh chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Dưới đây là một số điểm lưu ý sẽ giúp các bạn du học sinh có thể tìm được những công việc tốt nhất ở Úc.
1. Phân biệt casual job và part-time job
Theo nghiên cứu, việc làm thêm được lựa chọn nhiều nhất của các du học sinh Việt Nam ở nước ngoài hầu hết đều là chạy bàn, phụ bếp cho các hệ thống cửa hàng, trong đó chủ yếu là cửa hàng châu Á. Điều này được hiểu là do những cửa hàng này không có nhiều yêu cầu về ngoại ngữ cũng như một số điều kiện khác và mức thu nhập cũng đủ để cho du học sinh trang trải cuộc sống. Hạn chế của hình thức làm việc trên là các cửa hàng tuyển nhân viên theo dạng làm chui, trả bằng tiền mặt và thường trả lương dưới mức lương tối thiểu mà chính phủ Úc quy định. Do làm việc chui, du học sinh cũng không được hưởng quyền lợi bảo hiểm lao động hay lương hưu mà chỉ được trả theo giờ. Đây là dạng công việc điển hình của hình thức làm thêm có tên gọi casual-job.
Hình thức làm thêm dạng part-time job là mặt đối lập với hình thức làm thêm dạng casual-job. Những công việc làm thêm dạng part-time job mang lại cho du học sinh những quyền lợi cơ bản của người lao động như bảo hiểm lao động, mức lương tối thiểu đúng quy định của chính phủ Úc (hiện tại khoảng 12.75 AUD) và có thể tích quỹ để nhận lương hưu.
Phân biệt được hai hình thức trên, du học sinh nên cân nhắc để lựa chọn loại việc làm thêm phù hợp với việc học của bản thân, quỹ thời gian cho phép cũng như đòi hỏi những quyền lợi mà mình có thể nhận.
2. Những loại công việc làm thêm phổ biến nhất
Tất nhiên phổ biến và dễ xin việc nhất đối với các du học sinh Việt Nam ở Úc là hệ thống các quán ăn châu Á. Tuy nhiên, với những bạn có vốn tiếng Anh thành thạo, những lựa chọn tốt có thể là hệ thống cửa hàng bán thức ăn nhanh như Mc Donalds, chuỗi cửa hàng cafe như Starbucks, quán bán hồng trà, các hệ thống siêu thị… Với những bạn có khả năng pha chế tốt có thể xin làm bartender ở các hộp đêm, quán bar…
Với những du học sinh có vốn tiếng Anh kém hơn một chút có thể tìm các công việc lao động phổ thông như khuân vác, bốc dỡ hàng hóa ở các cửa hàng, khu chợ ở Việt Nam để trang trải cuộc sống.
3. Những công việc làm thêm tốt nhất
Các công việc trong khu học xá như trợ giảng (university tutor ) hay quản lý thư viện (university librarian ) là những công việc được nhiêu du học sinh mơ ước được làm nhất. Đơn giản bởi chế độ đãi ngộ tốt cũng như môi trường để học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng tuyệt vời.
4. Nên xin giấy phép làm việc hợp pháp
Theo quy định của chính phủ Úc, sinh viên người nước ngoài có nhu cầu làm việc chỉ được làm tối đa 20 giờ cho một tuần trong thời gian đi học (và toàn thời gian trong kỳ nghỉ). Ngoài ra, để có được một việc làm chính thức, du học sinh cần phải xin giấy phép làm việc (working permit) tại cơ quan Di trú (DMIA). Tại đây bạn cũng phải tiến hành đăng ký Mã số Thuế cá nhân (Tax File Number).
Đối với những ai ở Úc hơn 6 tháng, bạn sẽ được miễn thuế 6.000 AUD đầu tiên của lương đi làm, như những công dân Úc khác. Lưu ý là các nghiên cứu sinh bậc Tiến sĩ đang chờ đánh giá luận án thì có thể đi làm không giới hạn thời gian như sinh viên còn đang đi học.
5. Chú trọng rèn luyện kỹ năng tiếng Anh
Cơ hội việc làm thêm tốt, có thu nhập cao luôn luôn có đối với những du học sinh có kỹ năng nói tiếng Anh thành thạo. Điều này đặc biệt đúng với những công việc yêu cầu giao tiếp và đối đáp với khách hàng như bồi bàn. Tiếng Anh cũng là trở ngại lớn nhất ở xứ sở chuột túi này khi xin việc làm thêm khi trung bình phải mất 1 năm để du học sinh Việt Nam có việc làm thêm đầu tiên.
Nói tốt tiếng Anh, bạn có thể thử xin việc khảo sát thị trường qua điện thoại hay khảo sát ngoài trời. Chưa kể thù lao của công việc này khá cao so với mặt bằng hiện tại (20 AUD/giờ).
6. Đi làm thêm chỉ là việc làm thêm, học mới là quan trọng
Rất nhiều du học sinh sai lầm khi nghĩ đến việc đi du học và tranh thủ “cày” tiền từ việc làm thêm để “tra nợ” chi phí du học ban đầu. Đây là một quan điểm theo chúng tôi hoàn toàn sai lầm.
Có nhiều yếu tố chi phối đến việc này. Với 20 tiếng làm thêm mỗi tuần, du học sinh chỉ kiếm được đủ tiền ở và sinh hoạt một cách tằn tiện. Việc để dôi ra một khoản gửi về là gần như không thể. Đối với những du học sinh làm thêm vượt 20 tiếng, điều này có thế nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến việc học hành của các bạn. Và lời khuyên của chúng tôi là đừng ham kiếm tiền từ việc làm thêm quá, đợi đến khi hoàn thành khóa học cũng không muộn.