Du học không phải là điều dễ dàng, bạn cần phải có kế hoạch học tập rõ ràng cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ, giấy tờ cần thiết mới đảm bảo khả năng đậu Visa cao nhất.
Sau khi được một trường cao đẳng, đại học hoặc một trung tâm Anh ngữ chấp nhận nhập học chính quy, sinh viên sẽ được cấp I-20 (thư nhập học) để chuẩn bị cho việc phỏng vấn Visa du học (loại VISA F-1).
Những lưu ý quan trọng sau khi nhận I-20
Đọc kỹ mẫu đơn xác nhận
Đầu tiên, trường sẽ gửi cho bạn một mẫu đơn để xác nhận rằng bạn đã được chấp nhận vào trường do Cơ quan Di Trú và nhập tịch Hoa kỳ (USCIS) ủy quyền chấp nhận. Bạn sẽ đọc kỹ và ký vào mẫu đơn này.
Hãy chắc chắn rằng tên và chính tả trên passport phải giống với tên và chính tả trên đơn nhập học của bạn. Nếu tên và chính tả trên đơn nhập học sai so với passport của bạn, hãy yêu cầu trường cấp lại đơn nhập học mới để phỏng vấn VISA.
Phí tham gia phỏng vấn
Bạn cần đặt lịch hẹn phỏng vấn xin Visa và trả một số lệ phí cần thiết. Du học sinh được yêu cầu thanh toán phí SEVIS (phí An Ninh của Bộ An Ninh Nội Địa Mỹ) với số tiền là 200 USD trước khi tham gia phỏng vấn tại Sứ quán. Bạn có thể chi trả phí này bằng thẻ tín dụng trên trang web fmjfee.com và bạn sẽ phải in bản sao biên nhận đóng tiền để đem đi phỏng vấn xin Visa tại Sứ Quán.
Bạn cũng sẽ phải trả thêm 3.440.000 VND cho lệ phí xin Visa. Lệ phí này có thể đóng trực tiếp tại Đại sứ quán hoặc tại một ngân hàng do Đại sứ quán chỉ định. Sau khi đóng phí, bạn sẽ tiến hành đặt lịch hẹn phỏng vấn tại Sứ Quán thông qua trang web ustraveldocs.com, trước khi đến Sứ Quán phỏng vấn, hãy in giấy xác nhận cuộc hẹn và mang theo.
Mẫu xin visa định cư mới
Hoa Kỳ bắt đầu áp dụng mẫu xin Visa không định cư mới, DS-160, có thể nộp đơn trực tuyến. Mẫu này thay thế cho tất cả các mẫu khác.
Hoàn thành mẫu DS-160 trực tuyến. Một lần nữa, nhớ đảm bảo thứ tự tên và đánh vần tên của bạn đúng như trong hộ chiếu. Sau đó, bạn in mẫu đã điền hoàn thiện và mang theo đến Đại sứ quán khi bạn đi phỏng vấn xin Visa.
Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin Visa
Bạn được khuyên là nên nộp đơn xin Visa sớm trước ngày bắt đầu chương trình học tập. Nếu có thể, bạn nên nộp đơn xin cấp Visa ba tháng trước ngày bạn dự định đi Mỹ. Việc này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để phỏng vấn tái nếu bạn không may bị từ chối Visa lần đầu. Khi đi phỏng vấn, hãy đảm bảo tất cà các giấy tờ được yêu cầu đều phải có đầy đủ như: Hộ chiếu, hình 5×5, giấy xác nhận cuộc hẹn, xác nhận hoàn thành mẫu đơn DS-160, I-20 có đầy đủ các chữ ký, biên lai hoàn thành phí SEVIS, và các giấy tờ tùy thân, học vấn, tài chính bản gốc,…..
Trang phục của bạn khi phỏng vấn
Phỏng vấn xin Visa là một sự kiện trang trọng nên bạn hãy mặc trang phục lịch sự như trang phục công sở, trang phục học đường. Vì thời gian phỏng vấn xin VISA rất ít ỏi (thông thường từ 3-10 phút) nên việc tạo ấn tượng tốt đầu tiên với viên chức lãnh sự là một phần thiết yếu giúp buổi phỏng vấn càng thêm thành công.
Tự tin trong khi phỏng vấn
Trong quá trình phỏng vấn, hãy nhìn thẳng vào viên chức lãnh sự và thể hiện sự tự tin khi trình bày kế hoạch học tập tại Mỹ. Kế hoạch học tập của bạn phải rõ ràng và cụ thể. Nếu bạn trả lời ngập ngửng hoặc thể hiện thái độ nhút nhát, sợ sệt, viên chức lãnh sự có thể nghi ngờ bạn qua Mỹ không phải vì mục đích học tập thật sự mà là vì các mục đích khác như lao động, kết hôn,…
Khả năng ngoại ngữ
Viên chức lãnh sự sẽ hài lòng hơn khi bạn chứng minh được khả năng sử dụng tiếng Anh của mình. Vì vậy, hãy ưu tiên sử dụng tiếng Anh trong các câu trả lời của bạn. Trường hợp bạn nghe không rõ hoặc không hiểu câu hỏi của viên chức, bạn hãy yêu cầu viên chức hoặc thông dịch viên dịch qua ngôn ngữ tiếng Việt rồi mới trả lời. Không nên phán đoán câu hỏi theo cảm tính, vì bạn sẽ dễ trả lời sai và chắc chắn viên chức lãnh sự sẽ không đánh giá cao phần phỏng vấn của bạn.
Kỹ năng bản thân
Trong quá trình phỏng vấn, hãy thể hiện bạn là một người năng động, tự tin, thích tham gia các hoạt động ngoại khóa và hoạt động xã hội tại trường bạn đang học. Viên chức sẽ đánh giá cao khả năng tự lập và khả năng hòa nhập tốt vào môi trường sống mới tại Mỹ nếu bạn đi du học.
Chứng minh tài chính
Khi trả lời các câu hỏi về nghề nghiệp cha mẹ, bạn nên liệt kê thêm tài sản và các loại tài chính khác của gia đình một cách rõ ràng. Điều này giúp lãnh sự có thêm ấn tượng về khả năng tài chính vững mạnh của gia đình bạn, đủ sức bảo trợ cho bạn du học trong một thời gian dài.
Kế hoạch học tập và các mối quan hệ
Lý do thông thường nhất khiến cho đơn xin Visa cho sinh viên du học bị từ chối là đương đơn đã không chứng minh được cho viên chức cấp Visa rằng họ sẽ trở về nước sau khi hoàn tất việc học tại Hoa Kỳ. Điều này được gọi là Điều khoản 214. b. Viên chức lãnh sự sẽ hỏi một loạt câu hỏi liên quan đến kế hoạch học tập và các mối quan hệ tại đất nước bạn. Vì vậy, hãy trả lời cụ thể, dứt khoát và rõ ràng các mối quan hệ ràng buộc như gia đình, bạn bè và một tương lai nghề nghiệp tươi sáng tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp để chứng minh và thuyết phục Sứ quán về ý định quay về Việt Nam của bạn.