Chính phủ đầu tư ngân sách lớn cho giáo dục – cung cấp các khóa học chất lượng với học phí thấp:
Nếu như một số quốc gia khác xem giáo dục là một ngành công nghiệp không khói và đầu tư rất lớn để xuất khẩu dịch vụ này thì Canada lại xem giáo dục là đầu vào quan trọng nhất của nền kinh tế, hoàn toàn phục vụ yêu cầu phát triển.
Không những chỉ thể hiện bằng việc đầu tư rất lớn ngân sách nhà nước cho giáo dục, hỗ trợ để cung cấp các khóa học chất lượng với học phí rẻ (chỉ từ 200 triệu VNĐ/năm), chính sách đào tạo theo nhu cầu thị trường còn thể hiện mạnh mẽ trong tiêu chí phân loại nghề nghiệp của chính phủ nước này.
Tính đến năm 2015, trong hệ thống phân loại nghề nghiệp quốc gia của Canada, các ngành nghề đều được phân loại chi tiết thành 5 nhóm theo yêu cầu đào tạo. Cụ thể như sau:
- Skill Type 0 – Management: nhóm nghề quản lý (ví dụ như: quản lý mỏ, thuyền trưởng, quản lý khách sạn…)
- Skill Level A –University Education: nhóm nghề yêu cầu tốt nghiệp từ trường đại học (trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ)
- Skill Level B – College Education: nhóm nghề yêu cầu tốt nghiệp từ trường cao đẳng (cao đẳng, học nghề)
- Skill Level C – High School Education: nhóm nghề yêu cầu tốt nghiệp trung học phổ thông
- Skill Level D – On the job training: nhóm nghề không yêu cầu trình độ tối thiểu, chỉ cần đào tạo trong quá trình làm việc.
Điều đặc biệt tại Canada là dù tất cả nghề nghiệp được phân loại theo trình độ đào tạo, nhưng lại không hề bị vướng vào lối mòn bằng cấp. Chính điều này đã giúp Canada giữ vững vị thế hàng đầu thế giới trong việc hoạch định, quản lý và điều chỉnh giáo dục để phục vụ tối ưu cho phát triển kinh tế.
Nhu cầu lao động của nền kinh tế Canada tính đến năm 2022 là 5.8 triệu công việc:
Cứ 2 năm một lần, bộ Lao động và Phát triển Xã hội Canada sẽ cập nhập số liệu mới nhất về dự báo nhu cầu lao động của nền kinh tế giai đoạn 10 năm tiếp theo và khả năng đáp ứng của các nguồn cung lao động. Báo cáo này được xem là kiểu mẫu khi phân tích chi tiết cho từng ngành nghề, chỉ rõ số lượng công việc được tạo ra, số người lao động có thể cung ứng từ tất cả các nguồn, từ đó xem xét sự thừa thiếu để làm cơ sở điều chỉnh tốt nhất cho thị trường lao động Canada.
Theo báo cáo mới nhất được cập nhật đầu năm 2015, Canada sẽ có khoảng 5,8 triệu công việc tính đến 2022 từ tất cả các nguồn. Để có đủ lao động cung ứng cho nền kinh tế, Canada sử dụng tối đa lao động trong nước và thu hút lao động có trình độ cao từ nước ngoài. dự kiến sẽ có khoảng 5,7 triệu người tìm việc từ nguồn sinh viên tốt nghiệp trong nước, người nhập cư và người đổi việc trong giai đoạn 2013 – 2022. Tuy tính tổng số, người Canada có thể đáp ứng đến hơn 80%, nhưng có đến 19% số lượng người Canada tốt nghiệp trình độ cao đẳng, đại học (Skill level A, B) lại muốn làm các công việc có trình độ thấp hơn (Skill level C, D) dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng đối với các nhóm ngành yêu cầu trình độ cao. Số người Canada chỉ bù đắp được gần 72% nhu cầu lao động thuộc nhóm quản lý, A và B, đặt ra thách thức với chính phủ về việc thu hút người nhập cư có trình độ.
Gần 50% số lao động nhập cư thuộc nhóm có trình độ cao và chủ yếu là du học sinh tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học tại Canada tiếp tục ở lại nước này làm việc. Đây là kết quả xứng đáng cho một loạt chính sách hiệu quả, kịp thời của chính phủ.
Những thay đổi tích cực về chính sách dành cho sinh viên quốc tế:
Quy trình cấp xét visa được cải tiến nhanh gọn, rõ ràng hơn so với trước đây: Đặc biệt, năm 2015 sinh viên quốc tế không cần phải chờ sau 6 tháng mới được cấp giấy phép làm việc (work permit) mà được cấp ngay khi nhận visa sinh viên. Đây là động thái tích cực nhất để sinh viên có điều kiện hội nhập nhanh chóng vào thị trường lao động Canada trong thời gian học. Cùng với các chương trình thực tập (internship), thực tập hưởng lương (co-op), việc chính phủ cho phép sinh viên đi làm thêm 20h/tuần là điều kiện tốt nhất để sinh viên quốc tế trở thành lực lượng lao động trình độ cao quan trọng, đóng góp cho nền kinh tế Canada.
Kinh nghiệm làm việc từ 6 tháng có thể nộp hồ sơ xin định cư: Chính phủ Canada cho phép sinh viên quốc tế thuộc các chương trình cao đẳng trở lên được ở lại Canada từ 1-3 năm để tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Sau khi có việc làm full-time từ 6 tháng đến 1 năm, sinh viên quốc tế có thể nộp hồ sơ xin định cư tại Canada và hưởng nhiều phúc lợi từ chính phủ nước này.
Chương trình định cư dành riêng cho sinh viên quốc tế không yêu cầu kinh nghiệm việc làm và chính sách hoàn trả 60% học phí: Chính quyền các bang công bố thông tin rõ ràng về nhu cầu lao động, mức lương tối thiểu cũng như các chính sách khuyến khích bổ sung cho sinh viên quốc tế tại tỉnh bang đó. Tại tỉnh bang Manitoba và Saskatchewan có chính sách hoàn trả lại học phí lên tới 60% và miễn bảo hiểm y tế cho sinh viên. Đặc biệt, hai tỉnh bang Ontario và British Columbia có chương trình định cư dành riêng cho sinh viên quốc tế không yêu cầu kinh nghiệm việc làm cũng như thư mời làm việc hợp lệ. Chương trình tại Ontario dành cho tất cả sinh viên tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ tại tỉnh bang này. Chương trình tại British Comlumbia tương tự nhưng chỉ áp dụng với sinh viên theo học ngành khoa học tự nhiên (natural sciences), khoa học ứng dụng (applied sciences) và khoa học sức khỏe (health sciences).
2 nhóm chương trình định cư đáng chú ý nhất cho sinh viên quốc tế:
Tính đến tháng 04/2015, chính phủ Canada có 5 nhóm chương trình định cư chính như sau: Nhóm chương trình định cư diện tay nghề; Nhóm chương trình định cư diện bảo lãnh tỉnh bang; Nhóm chương trình đầu tư, kinh doanh; Nhóm chương trình bảo lãnh gia đình; Nhóm chương trình bảo lãnh tị nạn. Đối với sinh viên quốc tế tại Canada, có 2 nhóm chương trình đáng chú ý nhất là định cư diện tay nghề liên bang và định cư diện bảo lãnh tỉnh bang. Cả 2 nhóm chương trình này đều hướng đến mục tiêu cân đối tốt nhất lực lượng lao động nước ngoài với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế toàn quốc hoặc cụ thể từng tỉnh bang. Kinh nghiệm làm việc, trình độ giáo dục, khả năng ngôn ngữ, thư mời làm việc, độ tuổi, quốc tịch, người phụ thuộc (vợ/chồng, con) đi cùng là những yếu tố chính được xem xét về điều kiện nộp hồ sơ cũng như tiêu chí xét duyệt hồ sơ xin định cư. Hầu hết các chương trình trong 2 nhóm được nêu trên đều đòi hỏi kinh nghiệm việc làm tối thiểu 06 tháng và/hoặc thư mời làm việc hợp lệ tại Canada.
Để có thông tin cập nhật nhất về những thay đổi của chính phủ Canada năm 2015, Quý phụ huynh và các bạn học sinh, sinh viên vui lòng đăng ký tham dự Hội thảo: “Những thay đổi mới nhất về chính sách VIỆC LÀM – ĐỊNH CƯ của chính phủ Canada dành cho sinh viên quốc tế năm 2015”.
Thời gian: 9h00 – 11h00 ngày 23/5/2015
Địa điểm tại Hà Nội: Tòa nhà Eduviet Global, 129 Phan Văn Trường, Cầu Giấy, Hà Nội.
Nguồn: Dân Trí