Trung bình bạn sẽ mất $6 AUD cho bữa sáng, $8 AUD cho bữa trưa và $10 AUD cho bữa tối nếu mua đồ ăn nhanh. Trong khi chỉ cần khoảng $10 AUD một ngày cho ba bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng, nếu bạn biết cách đi chợ và chịu vào bếp.
Thường thì tất cả các loại thực phẩm từ rau quả đến thịt cá tại chợ (market) đều tươi và rẻ hơn siêu thị (super-market). Tuy nhiên, các siêu thị lại thường xuyên có những cuộc đại hạ giá bất ngờ và đây chính là dịp để các bạn tích trữ các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt.
Nếu là thịt cá thì hãy mua đủ dùng cho 1 – 2 tuần và để vào ngăn đá, còn bánh kẹo, nước uống có thể tích trữ trong tủ. Lưu ý, bạn có thể uống máy nước trực tiếp từ vòi vì nguồn nước cung cấp cho bạn đã được tiệt trùng và bổ sung những khoáng chất cần thiết.
Các siêu thị có những kỳ khuyến mại theo tuần, bạn có thể tham khảo trang Web của một số siêu thị sau. Các hệ thống siêu thị đều khuyến khích khách hàng đăng ký để nhận thông tin về các chương trình khuyến mại của họ: http://www.coles.com.au/; http://www.woolworths.com.au/; http://bilo.com.au/; http://kmart.com.au/.
Tiếp đến là việc đăng ký các dịch vụ cung cấp điện, ga, nước, điện thoại, internet, truyền hình cáp…
Tại Australia có rất nhiều đơn vị cung cấp những dịch vụ trên và họ luôn có chương trình hỗ trợ đặc biệt cho những khách hàng thuê từ hai dịch vụ trở lên.
Nếu bạn dùng càng nhiều dịch vụ, ví dụ: Cùng đăng ký điện thoại, internet, truyền hình cáp của Optus hoặc Telstra bạn sẽ được hưởng phí dịch vụ và chương trình khuyến mại chỉ giành riêng cho khách hàng đăng ký 3 dịch vụ.
Nhà trọ
Trong số tất cả các thành phố của nước Úc, Sydney và Melbourne được coi là hai thành phố có mức giá cá cả đắt đỏ nhất. Còn nếu so sánh với các thành phố khác trên thế giới, Sydney được xếp vào ở vị trí thứ 21 trong khi Melbourne được xếp ở trí thứ 60. Sự đắt đỏ ở đây thể hiện rõ nhất từ giá thuê nhà cho tới giá các loại thực phẩm.
Nhìn chung, giá thuê nhà tại Sydney cho một sinh viên dao động từ 90-140 AUD/tuần. Đây là giá thuê một phòng nhỏ (sunny-room) đã bao gồm bill (hóa đơn điện, nước, Internet) hoặc là giá chia phòng với một người khác. Giá thuê nhà tại các vùng ngoại ô có thể thấp hơn nhưng người thuê sẽ phải mất tiền đi tàu hoặc xe buýt để tới trường và đi chợ với chi phí trung bình khoảng 20 AUD/tuần. Chính vì vậy mà nhiều sinh viên chọn cách thuê nhà gần trường, tuy có đắt hơn chút ít nhưng bù lại sẽ để tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.
Nhiều sinh viên có kinh nghiệm hơn sau một thời gian ở Úc thì quyết thuê cả một căn hộ từ một hãng địa ốc (real estate agency) rồi từ đó cho các sinh viên khác thuê lại. Thay vì ở riêng một phòng, họ chấp nhận ở phòng ‘sunny-room’ vốn là một cái ban công nhỏ được tân trang lại thành buồng ngủ rộng chừng 6-8 m2, hoặc chấp nhận biến phòng khách thành cái buồng ngủ của ‘ông chủ’ được quây lại bằng một chiếc ri-đô. Với ‘bài’ này, nhiều sinh viên đã tiết kiệm được một nửa và thậm chí không phải trả đồng nào cho việc thuê nhà.
Nên bắt đầu cuộc đời mới với đồ “Second-hand”
Thời gian đầu khi sang du học tại Úc, bạn nào cũng phải mua sắm ít nhiều đồ dùng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và học tập của mình nơi xứ người. Nếu như mua đồ ‘đập hộp’ thì phải chi một khoản tiền khá lớn và không phải ai cũng đủ tiền để mua được. Nhưng ngược lại, mua đồ second hand (đồ dùng đã từng có chủ) giá rẻ hơn rất nhiều so với đồ mới, bạn có thể tiết kiệm chi phí cho túi tiền của mình và khi không cần dùng nữa thì rao bán lại cho những người khác thì cũng lấy lại được một khoản, hoặc có khi được dùng miễn phí hay thậm chí còn lời nữa. Mua hay bán, bạn chỉ cần để ý một chút là có thể tiết kiệm hay kiếm một món tiền kha khá. Thậm chí có những bạn tận dụng cơ hội đó mua một số món với giá ‘bèo’ rồi giao bán lại để kiếm chút lợi nhuận.
Trao đổi sách cũ có lẽ là một ‘giao dịch’ không thể thiếu đối với du học sinh. Mỗi đợt đầu năm học hay kỳ học (semester) mới, hoạt động này lại trở nên sôi nổi và nhộn nhịp. Đối với những bạn cần bán sách thì đây là cơ hội để thu hồi vốn. Họ phải tranh thủ thời gian này để bán cuốn sách mình đã học xong cho những bạn có nhu cầu sử dụng, trong khi những bạn chuẩn bị nhập học phải nhanh chân đi lùng kiếm sách cũ và kẻo lại không có sách học hay sẽ phải mua với giá đắt. Muốn mua sách học rẻ, bạn nên tìm mua sách trước kỳ học càng sớm càng tốt. Nếu không mua được sách cũ mà phải mua sách mới, bạn nên chuẩn bị tinh thần cho một cú sốc vì giá mỗi cuốn mới toanh có thể lên tới 100 đô la Úc. Vậy mỗi học kỳ phải mua từ 3 đến 4 quyển là mất toi 300 đến 400 đô Úc rồi. Nhưng bạn có thể tiết kiệm một nửa hay một phần ba khi mua sách cũ. Một điều cần lưu ý là khi mua lại sách từ những du học sinh khác, bạn cần phải kiểm tra xem phiên bản (edition) của cuốn sách có thể sử dụng được cho kỳ học của mình hay không. Điều này bạn nên đọc kỹ tài liệu hướng dẫn của nhà trường.
Muốn tìm mua sách cũ, bạn nên ghé qua một số tiệm sách ở trường mình và ở các trường khác vì những nơi đó thường có quầy bán sách second hand. Tại đây, chất lượng của sách được đảm bảo và du học sinh không sợ phải mua nhầm sách cũ hay sách không sử dụng được. Một địa chỉ khác cũng khá tin cậy là website ‘textbookexchange’. Đây là một nơi mua bán trao đổi sách học lớn và nổi tiếng nhất trong giới sinh viên ở Úc. Thỉnh thoảng có những quyển giá rẻ ‘giật mình’ nếu như bạn chịu khó săn lùng.
Nhìn chung có rất nhiều cách để trao đổi mua bán đồ dùng đã qua sử dụng. Mua được đồ rẻ không khó nếu bạn dành bớt chút thời gian để theo dõi những nguồn quảng cáo. Đó cũng là một trong những cách tiết giảm chi phí học tập của mình trên đất Úc.
Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi chân ướt chân ráo đến Melbourne, nhìn cái phòng trống trơn, chẳng có thứ gì ngoài cái va li đem từ Việt Nam sang, làm cho tôi càng cảm thấy buồn và nhớ nhà. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, tôi đã đần dần mua được một số đồ dùng cần thiết với giá cả lại rất phải chăng. Món đồ đầu tiên tôi mua được là chiếc máy vi tính khá xinh xắn chỉ có 80 đô la Úc do một bạn sắp về Việt Nam bán lại. Thế là tôi đã có thể yên tâm một phần cho việc học của mình.
Nguồn Tin tức du học,