Ngày 14/12/2015, một đạo luật mới về Hình phạt hình sự, dân sự mới và quy định hủy bỏ thị thực đã được chính phủ Úc ban hành nhằm xác minh chế tài xử phạt cho các cá nhân/tổ chức yêu cầu, nhận hoặc cung cấp dịch vụ bảo lãnh việc làm hoặc cung cấp việc làm với mục đích để bảo lãnh visa sang Úc.
“Trả tiền cho bảo lãnh visa” được chính phủ Úc coi là hành vi không thể chấp nhận được vì nó làm ảnh hưởng tới tính toàn vẹn của các chương trình việc làm tay nghề cao, được thiết kế để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân sự chất lượng cao của thị trường lao động Úc.
Chính phủ Úc không chấp nhận những người bảo lãnh, người bảo trợ, người lao động hoặc bên thứ ba khác sắp xếp “trả tiền cho bảo lãnh visa” để thu lợi ích cá nhân. Họ cũng không chấp nhận các bên cung cấp công việc với mục đích chính là được phép sang và có cơ hội ở lại Úc.
Theo đó, người bảo lãnh, người tài trợ hoặc người sử dụng lao động sẽ được yêu cầu phải chứng minh việc bảo lãnh thực tế do nhu cầu sử dụng lao động chứ không phải để hợp thức hóa visa.
Đạo luật này không hạn chế việc các bên thứ ba cung cấp dịch vụ việc làm hợp pháp cho người lao động nước ngoài làm việc tại Úc. Đồng thời không áp dụng để điều chỉnh các bên thứ ba cung cấp dịch vụ cho các loai visa cá nhân.
Các loại visa bắt buộc chứng minh tính hợp pháp của việc bảo lãnh, tài trợ như sau: Visa 401, 402, 420, 457, 488, 186, 187.
Chính phủ Úc cho rằng người lao động cần thực hiện các điều sau để tránh bị lừa đảo:
- Người lao động cần hiểu rõ quy trình cấp visa và các loại chi phí visa cho trường hợp của họ.
- Người lao động cần nắm chắc về quyền làm việc của họ và các nghĩa vụ của người bảo lãnh
- Người lao động cần thận trọng với các đề nghị việc làm yêu cầu trả tiền trước hoặc yêu cầu hoàn lại lương của bạn.
- Người lao động nên theo dõi tin tức cảnh báo lừa đảo và thận trọng với các dấu hiệu lừa đảo.
- Nếu sử dụng đại diện di trú, hãy chắc chắn rằng đại diện của bạn có đăng ký tại Cơ quan quản lý luật sư di trú.
- Nếu có thể, người lao động nên nộp hồ sơ trực tiếp với Bộ di trú và biên phòng Úc.