asdasdasdasdasdasd Sổ tay nước Úc (Phần II – Kỳ III - Đất nước và con người)

Trong phần tiếp theo, Chúng ta tiếp tục đi sâu tìm hiểm về nước Úc. Trong phần II này, chúng ta cùng khám phá cái nhìn tổng quan về đất nước con người Úc. 

Úc là mảnh đất độc đáo, đầy tương phản. Vùng xa xôi hẻo lánh nằm sâu trong lục địa Úc, thường được gọi là ‘outback’, có một vị trí quan trọng trong lịch sử và thần thoại Úc. Thế nhưng hơn 75 phần trăm số dân 21 triệu người Úc sống tại các trung tâm đô thị, tập trung đông nhất ở các thành phố, thủ phủ tại các vùng đồng bằng màu mỡ dọc theo bờ biển miền đông và đông nam. Úc thường được coi là một đất nước ‘trẻ’, thế nhưng dân số Úc, cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, đang già đi bởi vì tuổi thọ của người dân ngày càng được nâng cao. Con số những người trong hạng tuổi từ 65 trở lên dự kiến sẽ tăng từ khoảng 13.1 phần trăm vào năm 2005 đến 25.7 phần trăm vào năm 2050. Dân số tại các tiểu bang và lãnh thổ Úc.

Tiểu bang/Lãnh thổ Dân số (triệu) Thủ phủ Dân số tại thành phố thủ phủ (triệu)
New South Wales 6.55 Sydney 4.12
Victoria 4.93 Melbourne 3.59
Queensland 3.90 Brisbane 1.76
Tây Úc 1.96 Perth 1.45
Nam Úc 1.51 Adelaide 1.11
Tasmania 0.48 Hobart 0.20
Khu vực thủ đô 0.32 Canberra 0.32
Bắc Úc 0.19 Darwin 0.11

(Nguồn: Sở Thống kê Úc)

Khí hậu

Úc là nước một trong những quốc gia khô hạn nhất trên thế giới. Phần lớn vùng nội địa bằng phẳng, khô cằn và dân cư thưa thớt. Thế nhưng phần lớn vùng bắc nước Úc lại có khí hậu nhiệt đới. Một số vùng ở Queensland, vùng phía bắc của Tây Úc và Bắc Úc lại thường có mưa rào nhiệt đới trong mùa mưa từ tháng Giêng tới tháng Ba. Cũng vì diện tích đất nước quá lớn nên Úc hầu như có đủ hết các loại hình thái khí hậu từ băng tuyết giá lạnh tới nóng như đổ lửa. Những vùng lạnh nhất là ở Tasmania và vùng núi tuyết ở cao nguyên đông nam nước Úc. Vùng nóng nhất là vùng miền trung thuộc miền tây sâu trong lục địa.

Các mùa ở Úc hoàn toàn trái ngược với các mùa ở bắc bán cầu. Mùa hè là từ tháng 12 tới tháng 2, mùa thu là từ tháng 3 tới tháng 5, mùa đông là từ tháng 6 tới tháng 8 và mùa xuân là từ tháng 9 tới tháng 11. Tháng 7 là tháng có nhiệt độ trung bình lạnh nhất. Phần lớn ở miền nam nước Úc, nhiệt độ trung bình ban ngày từ 10°C tới 20°C (từ 50°F đến 68°F), ở vùng khí hậu nhiệt đới phía bắc là 20°C hoặc dưới 30°C (70°F và 80°F). Ở những vùng gần bờ biển hiếm khi nhiệt độ xuống tới mức đóng băng nhưng ở nhiều vùng trong nội địa vào mùa đông thường chỉ qua một đêm là đã thấy có lớp đá mỏng. Tại vùng núi tuyết, nhiệt độ thường xuống dưới 0°C (32° F) và trên vùng núi ở độ cao 1500 m thường có tuyết trong nhiều tháng trong năm. Thời gian nóng nhất ở phía nam nước Úc là tháng 1 và tháng 2, còn ở nơi khí hậu nhiệt đới là tháng 11 và tháng 12. Ở phần lớn những vùng nội địa, nhiệt độ trung bình ban ngày là trên 30°C (80°F hoặc 90°F), ở một số vùng ở Tây Úc nhiệt độ lên tới 40°C (104°F). Ở những vùng ven biển phía nam, vùng cao nguyên và ở Tasmania thường có khí hậu mát mẻ hơn (20°C/70°F hoặc 80°F).

Môi trường

Úc có phong cảnh thiên nhiên Úc đa sắc, đa dạng với rất nhiều loại thực vật và động vật độc đáo. Mọi người quyết tâm bảo vệ và duy trì môi trường và nguồn sinh vật đa dạng, phong phú và độc đáo của đất nước. Hơn 10 phần trăm đất đai ở Úc (khoảng 77 triệu ha) là những vùng đất được quốc gia bảo vệ. Khoảng 65 triệu ha vùng biển cũng được quốc gia bảo vệ trong đó có vùng biển san hô Great Barrier Reef nằm ngoài khơi phía bắc Queensland. Mười bảy địa danh danh lam thắng cảnh của Úc được ghi trong Danh mục Di sản Thế giới, trong đó có Biển San hô Great Barrier Reef, vùng Thiên nhiên Hoang dã Tasmania, vùng Ðầm lầy Nhiệt đới Queensland, Lâm viên Quốc gia Kakadu, Lâm viên Quốc gia Uluru-Kata Tjuta thuộc miền Bắc Úc, Quần đảo Lord Howe và vùng Rừng Nhiệt đới miền Trung phía đông nước Úc.

Thể chế dân chủ và chính phủ Úc

Úc là quốc gia có thể chế dân chủ đại nghị – tức là hệ thống chính phủ nghị viện cho phép công dân được tham gia vào việc lựa chọn người đại diện cho mình và có tiếng nói. Hệ thống chính phủ dựa trên truyền thống dân chủ, cổ võ việc chấp nhận mọi tín ngưỡng và tự do hội họp. Các định chế và việc điều hành đất nước của chính phủ liên bang Úc có nhiều điểm tương đồng với truyền thống của Anh và Bắc Mỹ.

Hiến pháp Úc

Chính Phủ Liên Bang Úc (Commonwealth of Australia) được thành lập theo thể chế liên bang khi Hiến pháp Úc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1901. Hiến pháp Úc quy định nền tảng cho chính phủ quốc gia Úc. Hiến pháp có thể được tu chỉnh, nhưng phải được thông qua một cuộc trưng cầu dân ý thực hiện theo đúng các quy định trong hiến pháp. Bất cứ tu chỉnh hiến pháp nào đều phải được đa số đôi chấp thuận – tức là đa số cử tri cả nước và đa số cử tri trong đa số các tiểu bang (ít nhất phải được bốn trong số sáu tiểu bang chấp thuận).

Liên bang Úc

Hiến pháp quy định hệ thống liên bang gồm có chính phủ Liên bang (hoặc chính phủ toàn quốc) và sáu chính phủ tiểu bang. Ngoài ra còn có các lãnh thổ tự trị do Quốc hội liên bang lập ra – lãnh thổ cũng tương tự như các tiểu bang, và các chính phủ địa phương do tiểu bang và lãnh thổ lập ra để phụ trách các vấn đề địa phương (như là công viên, đường xá địa phương và đặc trách việc đổ rác). Hiến pháp Úc liệt kê các lĩnh vực mà Quốc hội Liên bang có thể làm luật bao gồm ngoại giao, thương mại giữa các tiểu bang và thương mại quốc tế, quốc phòng và di trú. Ngoài một số ngoại lệ, các tiểu bang và lãnh thổ có thể làm luật về bất kỳ vấn đề gì liên quan tới tiểu bang và lãnh thổ. Tuy nhiên các tiểu bang và lãnh thổ không được làm luật trái với luật liên bang. Ví dụ những lĩnh vực do tiểu bang và lãnh thổ phụ trách là giáo dục, đường xá, cảnh sát, cứu hỏa và giao thông công cộng. Chính phủ liên bang và tiểu bang đều có ba ngành: lập pháp (hoặc là quốc hội), hành pháp và tư pháp. Hệ thống chính phủ Úc có nhiều điểm tương tự như truyền thống Westminster của Anh. Westminster là tên của tòa lâu đài dùng làm nhà Quốc hội của Anh. Hệ thống chính phủ nghị viện đã được xây dựng qua nhiều thế kỷ. Ðặc điểm chính của hệ thống này là nguyên thủ quốc gia không phải là người lãnh đạo chính phủ và ngành hành pháp, chính phủ được quốc hội lập ra và phải trực tiếp chịu trách nhiệm trước quốc hội. Thể chế này có chế độ ‘pháp trị’ và hệ thống tư pháp độc lập với quốc hội. Các quốc hội ở Úc khác với mô hình Westminster ở chỗ quyền lực của quốc hội bị giới hạn bởi Hiến pháp của tiểu bang và liên bang.

Chính phủ Úc

Quốc hội Liên bang là cơ quan lập pháp cho cả nước gồm có hai ‘Viện’: Viện Dân biểu (House of Representatives) và Thượng viện (Senate). Thành viên cả hai Viện đều do dân Úc bầu ra trong các kỳ bầu cử liên bang. Thời hạn tối đa của nhiệm kỳ Viện Dân biểu là ba năm; thời hạn tối đa của nhiệm kỳ Thượng viện là sáu năm (bầu cử liên bang bầu Viện Dân biểu thường được tổ chức đồng thời với kỳ bầu cử ‘một nửa Thượng viện’).

Thượng viện có 76 thượng nghị sĩ – 12 người cho mỗi tiểu bang, nghĩa là 72 cho sáu tiểu bang, vùng Bắc Úc và Khu vực Thủ đô được bầu mỗi nơi 2 người. Số đại biểu của mỗi tiểu bang trong Viện Dân biểu phụ thuộc vào dân số của mỗi tiểu bang. Số đại biểu trong Viện Dân biểu phải gấp đôi số thượng nghị sĩ hoặc là gần bằng như vậy. Hiện nay trong Viện Dân biểu có 150 đại biểu, mỗi người đại diện cho khoảng 80000 cử tri sống trong khu vực của mình gọi là khu vực cử tri (electorate). Chính phủ (thường được gọi là ‘Chính phủ Úc’) do một đảng hoặc liên đảng chiếm đa số trong Viện Dân biểu lập ra. Thủ tướng (Prime Minister) là người đứng đầu của đảng trong quốc hội, thủ tướng không phải do nhân dân trực tiếp bổ nhiệm mà do đảng nắm đối trọng quyền lực trong Viện Dân biểu cử ra. Chính phủ không cần phải có đa số ghế ở Thượng viện. Muốn trở thành luật, một dự thảo luật phải được cả hai viện quốc hội thông qua. Dự thảo luật có thể được đề nghị tại cả hai viện, trừ trường hợp dự thảo luật trong lĩnh vực tài chính phải do Viện Dân biểu đề nghị.

Bầu cử

Chính phủ mới thường được thành lập sau khi có tổng tuyển cử. Nhiệm kỳ tối đa của chính phủ Úc là ba năm tính từ ngày họp đầu tiên của quốc hội mới. Tuy vậy Thủ tướng có thể đề nghị Toàn quyền cho quyết định tuyển cử trước khi chính phủ hết nhiệm kỳ ba năm. Kể từ khóa họp Quốc hội đầu tiên ngày 9 tháng 5 năm 1901 tới nay, đã có 40 cuộc tổng tuyển cử bầu đại biểu Viện Dân biểu.

Ghi danh đăng ký cử tri và bầu cử

Trước khi có thể đi bầu tại các kỳ bầu cử liên bang, tiểu bang và phần lớn chính phủ địa phương ở Úc, mọi người phải ghi danh để có tên trong danh sách cử tri. Mọi người có thể ghi danh nếu hội đủ điều kiện là công dân Úc, từ 17 tuổi trở lên, và có thể bắt đầu đi bầu khi đúng 18 tuổi. Ðơn ghi danh bầu cử có tại văn phòng Ủy ban Bầu cử Úc (Australian Electoral Commission – AEC), tại các bưu điện và trên hệ thống liên mạng của AEC. Nếu sinh sống ở ngoại quốc, một công dân Úc cần phải đăng ký như một cử tri ở nước ngoài trong vòng ba năm kể từ ngày ra nước ngoài để được giữ tên trong danh sách cử tri trong các cuộc bầu cử liên bang. Việc đăng ký sẽ giúp cho tên của họ được giữ trong danh sách cử tri trong vòng sáu năm. Nếu muốn kéo dài thời gian được bầu cử sau đó, thì mỗi năm một lần họ phải trực tiếp đăng ký với AEC.

Ghi danh đăng ký cử tri và bầu cử là điều bắt buộc đối với tất cả công dân Úc đủ tiêu chuẩn để đi bầu. Tuy tiền phạt nếu không đi bầu không đáng bao nhiêu, nhưng Úc là nước có tỷ lệ người dân đi bầu cao nhất trên thế giới, với khoảng 90 phần trăm cử tri tham gia việc bầu cử. Công dân Úc đi bầu để cử người đại diện cho mi ̀nh ở cả ba cấp chính phủ – Liên bang, tiểu bang hoặc lãnh thổ và địa phương.

Những người Úc đã ghi danh có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang ngay cả khi họ đang đi du lịch nước ngoài, hoặc bỏ phiếu trước ngày đi nếu thủ tục cho bỏ phiếu trước đã bắt đầu. Với mục đích thực hiện các cuộc bầu cử liên bang, cả nước được chia thành các đơn vị bầu cử. Ðối với Viện Dân biểu, cử tri Úc chọn bầu trong số những ứng viên ra ứng cử tại đơn vị bầu cử địa phương. Nếu không có ứng viên nào có đủ 50 phần trăm phiếu bầu là lựa chọn thứ nhất, thì ứng viên nào có số phiếu thấp nhất sẽ bị loại và số phiếu đó được phân bổ lại cho các ứng viên khác chiểu theo sự ưu tiên thứ hai được cử tri đánh dấu trong phiếu bầu. Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi nào một ứng viên có hơn 50 phần trăm số phiếu. Thứ tự ưu tiên cũng được áp dụng trong các cuộc bầu cử bầu Thượng viện, mỗi ứng viên phải đạt đủ ‘chỉ tiêu’ cụ thể về số phiếu ở tiểu bang hoặc lãnh thổ nơi họ ra ứng cử. Ða số đại biểu quốc hội ở Úc là đảng viên của một chính đảng. Những đảng này là tập hợp các nhóm người cùng chung lý tưởng và quan điểm về phương cách điều hành đất nước. Ở Úc, tất cả mọi người đều có thể gia nhập một chính đảng và tham gia vào quá trình đề ra mục tiêu, quyết định chính sách của đảng và giúp những ứng viên của đảng trong các chiến dịch vận động bầu cử. Ðể có thể ra ứng cử vào Quốc hội Úc, ứng viên phải là công dân Úc và nếu mang quốc tịch khác thì phải tìm mọi cách để từ bỏ quốc tịch kia.

Chính phủ tiểu bang và lãnh thổ

Mỗi tiểu bang đều có quốc hội riêng, quốc hội là nơi đề ra các quyết định cho chính phủ của tiểu bang đó. Tất cả các quốc hội tiểu bang, trừ Quốc hội tiểu bang Queensland, đều có hai Viện. Ðại biểu được bầu vào quốc hội tiểu bang gọi là Dân biểu – Dân biểu Viện Lập pháp (Legislative Assembly) hoặc Dân biểu Hạ viện (House of Assembly) hoặc Dân biểu Hội đồng Lập pháp (Legislative Council). Người lãnh đạo chính phủ ở tiểu bang gọi là Thủ hiến (Premier). Cách tổ chức ở hai lãnh thổ Bắc Úc và Khu vực Thủ đô có hơi khác. Mỗi quốc hội ở lãnh thổ chỉ có một Viện gọi là Viện Lập pháp (Legislative Assembly). Người lãnh đạo chính phủ ở mỗi lãnh thổ gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Chief Minister). Chính phủ tiểu bang và lãnh thổ có trách nhiệm về các lĩnh vực như là luật pháp và trật tự công cộng, các vấn đề người tiêu dùng, y tế, giáo dục, lâm nghiệp, giao thông công cộng và các đường giao thông chính. Chính phủ địa phương Cơ quan đề ra các quyết định cho chính phủ địa phương thường được gọi là Hội đồng thành phố hoặc quận/hạt (shire/council). Hội đồng thành phố do chính phủ tiểu bang lập ra để phụ trách các nhu cầu cụ thể của quận, hạt hoặc cộng đồng hành chính địa phương. Ðại diện của nhân dân trong các hội đồng này được gọi là nghị viên. Người đứng đầu hội đồng là Thị trưởng hoặc Chủ tịch quận/hạt (mayor or shire president). Chính phủ địa phương chịu trách nhiệm về các mặt bảo trì đường xá, vấn đề rác rưới, luật lệ xây cất, phân lô đất đai, vệ sinh công cộng, và các tiện ích công cộng như hồ bơi. 

Chế độ quân chủ lập hiến

Úc là quốc gia độc lập nhưng vẫn duy trì mối liên hệ quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh, đồng thời cũng là Nữ hoàng Úc. Nữ hoàng bổ nhiệm Toàn quyền Úc (Governor-General) làm người đại diện cho Nữ hoàng, theo đề nghị của Thủ tướng. Toàn quyền bổ nhiệm bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng và theo tập quán, chỉ hành động theo đề nghị của các bộ trưởng trong hầu như tất cả mọi vấn đề.

Hệ thống luật pháp liên bang

Hệ thống luật pháp Úc thể hiện những nguyên tắc cơ bản của công lý pháp quyền và bình đẳng trước pháp luật. Ngành tư pháp ở Úc có trách nhiệm giải thích luật và áp dụng luật. Thẩm phán hoàn toàn độc lập với chính phủ trong khi thực hiện trách nhiệm đó. Tòa Tối cao Úc (High Court of Australia) là tòa án cuối cùng xét xử các vụ kháng án trong tất cả các vụ tố tụng. Một trong những chức năng chính yếu của Tòa Tối cao là giải thích Hiến pháp Úc. Tòa có thể ra bản án quyết định rằng một đạo luật là không hợp hiến – có nghĩa là luật đó không thuộc quyền lực của quốc hội – do đó luật đó là vô hiệu.

Tư vấn trực tuyến
1
Close chat
Xin chào! PACOM có thể tư vấn cho bạn điều gì? :) Bạn đừng quên LIKE để cập nhật tin mới nhất của chúng tôi nhé.

Bắt đầu