Ðối xử nhân đạo đối với thú vật
Hành hạ thú vật hoặc bỏ bê không coi sóc thú vật đúng mức là phạm pháp. Luật pháp ở Úc đòi hỏi mọi người đối xử nhân đạo với thú vật, dù là thú nuôi trong nhà hay là thú hoang. Nhiều loại thú bản địa ở Úc được quốc gia bảo vệ và có luật quy định chặt chẽ đối với vấn đề săn bắn. Không được giết thú vật tại nhà hoặc ở các nơi tư hữu. Hội đồng hành chính địa phương có những quy định cụ thể về loại thú nào được nuôi trong nhà. Nhiều người Úc nuôi chó, mèo hoặc nuôi chim ở sân sau nhà họ (gọi là khu sân sau).
Súng và các loại vũ khí khác
Luật pháp Úc cấm không được mang vũ khí trong người như là dao hoặc súng. Nếu ai muốn có súng để sử dụng trong những việc như đi săn, bắn súng như môn thể thao, hoặc dùng ở các trang trại đều phải có giấy phép. Nếu dùng súng không có giấy phép, hoặc tàng trữ vũ khí không giấy phép là phạm pháp
Các luật khác
Luật pháp có các quy định cấm vứt rác ra đường, cấm làm ô nhiễm môi trường hoặc xả chất thải không có giấy phép hoặc gây tiếng ồn quá mức.
Ở Úc không có luật tử hình
Phong tục và tập quán
Úc chỉ có một số ít những phong tục hay tập quán được áp dụng tại Úc. Tuy nhiên, việc áp dụng các tập quán này khác biệt với so với việc áp dụng ở các nước khác. Nếu có gì thắc mắc quý vị nên hỏi bạn bè, hàng xóm, hoặc đồng nghiệp.
Ví dụ, trong việc giao tiếp đối với người quen và đồng nghiệp đa số người Úc ít tỏ vẻ trịnh trọng. Khi ở nơi làm việc và khi tiếp xúc với bạn bè, phần đông người Úc đều gọi nhau bằng tên, chứ không dùng họ.
Tuy vậy, người Úc không quen có cử chỉ thân mật. Khi gặp ai lần đầu, thường người ta chỉ đưa tay phải ra để bắt tay, những người không quen khi gặp nhau thường không ôm hoặc hôn nhau.
Phong cách lịch sự
‘Xin mời’ (‘please’) và ‘cám ơn’ (‘thank you’) là những từ rất hữu ích khi giao tiếp với mọi người, khi đi mua sắm hoặc khi sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn như khi được hỏi có uống trà hay không, nếu muốn uống thì chỉ cần nói ‘dạ có ạ’ (‘yes please’), hoặc chỉ cần nói ‘có ạ’ (‘please’), còn nếu không muốn uống thì nói ‘thôi khỏi, cám ơn’ (‘no, thank you’). Khi nhận được vật gì, cách lịch sự để cám ơn người đó là nói ‘cám ơn’ (‘thank you’).
Người Úc thường nói câu ‘xin ông/bà thứ lỗi’ (‘excuse me’) để được người nào đó chú ý, hoặc nói ‘xin lỗi’ (‘sorry’) khi vô tình chạm phải người khác. Họ cũng nói ‘xin ông/bà thứ lỗi’ (‘excuse me’) hoặc ‘xin bỏ qua cho’ (‘pardon me’) nếu họ ợ hơi ở chỗ công cộng hoặc khi đang ở nhà người khác.
Người Úc cũng có thói quen xếp hàng thứ tự khi chờ được phục vụ tại nơi cửa tiệm, ngân hàng, cơ sở công quyền, rạp chiếu bóng hoặc ở bất kỳ nơi nào có nhiều người cùng đang chờ để được phục vụ. Người Úc nói chung thường chờ cho đến khi tới phiên mình được phục vụ. Hành động này thể hiện sự tôn trọng đối với người khác và cũng là cách công bằng nhất cho tất cả mọi người đạt được điều họ muốn.
Có mặt đúng giờ tại cuộc họp hoặc lúc tới thăm viếng là điều quan trọng. Nếu biết mình sẽ tới trễ, quý vị nên liên lạc để báo cho người kia biết. Vấn đề này hết sức quan trọng khi có hẹn với các nhà chuyên môn thí dụ như bác sĩ, có thể quý vị sẽ bị tính thêm tiền do tới trễ hoặc do lỡ hẹn mà không báo cho họ biết trước.
Phần lớn người Úc hỉ mũi vào khăn mùi xoa hoặc khăn giấy, chứ không hỉ mũi xuống vệ đường. Người Úc cũng không khạc nhổ ngoài đường. Nếu quý vị hắt hơi, nhiều người sẽ nói câu ‘chúa thương’ (‘bless you’). Câu này không mang một ý nghĩa tôn giáo nào cả.
Vệ sinh cá nhân
Cách tốt nhất để tránh cho bản thân, gia đình và những người khác không bị mắc bệnh là giữ vệ sinh cá nhân. Phần đông người Úc quan tâm săn sóc bản thân và quan tâm tới người khác bằng cách rửa tay trước khi sửa soạn thức ăn, trước khi ăn, sau khi ho hoặc hắt hơi, sau khi đi vệ sinh, sau khi vuốt ve thú vật, trước hoặc sau khi có những hoạt động có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân hoặc sức khỏe người khác do bị nhiễm vi trùng hoặc truyền vi trùng cho người khác
Khi cùng ăn với mọi người thông thường người ta dùng vật dụng có sẵn để xúc đồ ăn nhằm tránh sự lan truyền của vi trùng. Những vật dụng này có thể là cây kẹp gắp, muỗng, nĩa, đũa hoặc đồ xúc sà lách
Ăn mặc
Loại quần áo mặc trên người cũng thể hiện sự đa dạng của xã hội Úc và sự thay đổi thường xuyên của khí hậu. Không có luật hoặc quy định nào về cách ăn mặc, nhưng ở nơi công sở, nơi làm việc thường phải có cách ăn mặc phù hợp – phần lớn những nơi làm việc đều có quy định cụ thể về cách ăn mặc.
Ngoài nơi làm việc, cách ăn mặc thế nào là tùy vào sở thích cá nhân – nhiều người chọn cách ăn mặc thoải mái, phù hợp với khung cảnh xã hội hoặc thời tiết. Những nơi như câu lạc bộ, rạp chiếu bóng và những nơi khác yêu cầu mọi người phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ và mang giày đàng hoàng.
Nhiều người Úc sống ở gần bãi tắm biển hoặc gần biển, vào những ngày nóng nực, người ta có thể mặc đồ tắm hoặc mặc đồ hở hang lúc đang ở bãi tắm hoặc ở những nơi quanh đó. Vấn đề này không có nghĩa là những người ăn mặc theo cách đi ra bãi biển hoặc đi tắm biển là những người kém đạo đức. Ðiều này chỉ có nghĩa là người Úc chấp nhận cách ăn mặc đó ở nơi bãi biển và những nơi quanh đó. Ở một số tiểu bang ở Úc, còn có một số ít các bãi tắm biển dành riêng để tắm ‘truồng’ là nơi mà mọi người có thể tắm biển mà không cần phải mặc gì trên người cả.
Những người từ các nước khác tới có thể chọn cách ăn mặc phù hợp với phong tục, tập quán của mình.
Ðược mời
Nếu được mời tới ăn trưa, ăn tối, ăn đồ nướng ngoài trời (BBQ), ăn tiệc, đám cưới, sinh nhật hoặc vào một dịp đặc biệt gì, thường quý vị nên trả lời ngay hoặc viết thư trả lời, gọi điện thoại hoặc email. Bữa ăn giữa ngày gọi là bữa trưa (lunch), bữa tối thường gọi là cơm chiều (dinner). Một số người Úc cũng hay gọi bữa tối là trà chiều (tea) vừa có thể nghĩa là bữa cơm tối, vừa có thể nghĩa đen là dùng trà hay còn gọi là ‘cuppa’. Nếu được mời tới dùng trà, thì coi giờ được mời để biết chủ nhà mời ăn cơm chiều hay chỉ là mời tới dùng trà thôi. Nếu được mời ‘dùng trà’ (tea) và được mời tới sau 6 giờ chiều (1800 giờ) thì thường có nghĩa là quí vị được mời ăn cơm tối
Khi nhận lời mời tới ăn cơm, thường nên cho chủ nhà biết quý vị có kiêng khem món gì không. Hoặc chủ nhà có thể hỏi quý vị có phải kiêng khem món gì không. Ở Úc vấn đề hoàn toàn hợp lý nếu quý vị cho chủ nhà biết mình là người ăn chay nên không ăn thịt hoặc quý vị là người Hồi giáo hoặc là người Do thái nên không ăn thịt heo. Nếu quý vị không muốn uống rượu thì không ai ép quý vị phải uống, kể cả khi chủ nhà là người uống rượu