Đối với diện tay nghề Úc, du học sinh có thể nộp hồ sơ ngay khi mới ra trường. Khi nộp hồ sơ xin thường trú dạng tính điểm, ví dụ như visa 189, 190 và 489, du học sinh thường có điểm nhờ vào độ tuổi, bằng cấp đã đạt được, thời gian học ở Úc và trình độ tiếng Anh. Nhưng còn kinh nghiệm làm việc thì làm sao để có thể được cộng điểm?
Điểm kinh nghiệm làm việc trong hồ sơ xin PR
Tối đa bạn có thể có được 20 điểm cho kinh nghiệm làm việc trong vòng 10 năm trở lại đây cho hồ sơ xin thường trú dạng tính điểm của mình.
Nếu đó là kinh nghiệm làm việc tại Úc thì 1 – 3 năm kinh nghiệm bạn sẽ được cộng 5 điểm, 3 – 5 năm được cộng 10 điểm, 5 – 8 năm được 15 điểm và 8 – 10 năm được 20 điểm.
Với kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, 3 – 5 năm được 5 điểm, 5 – 8 năm được 10 điểm và 8 – 10 năm được 15 điểm.
Công việc đó phải thỏa mãn những điều kiện gì mới được cộng điểm?
Đó có thể là công việc có trả lương toàn thời gian hoặc bán thời gian, miễn là bảo đảm trung bình tối thiểu 20 tiếng mỗi tuần.
Tùy vào ngành nghề mà thời gian bắt đầu tính điểm kinh nghiệm có phần khác biệt.
Ví dụ:
Với ngành Cook thì kinh nghiệm làm việc sau khi có Certificate 3 là đã bắt đầu được tính.
Trong khi đó, kế toán, IT hay nhiều ngành khác thì kinh nghiệm làm việc chỉ được tính sau khi có bằng đại học. Và bằng đại học đó phải liên quan với kinh nghiệm làm việc của bạn.
Việc chứng minh cho kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, cụ thể là ở Việt Nam, có gì khó khăn hơn so với ở Úc?
Tôi nghĩ kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam có thể khó hơn một chút nếu như bạn đi làm mà không có payslip (bảng lương), không đóng đủ bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên trong những trường hợp đó, bạn có thể nhờ cấp trên của mình viết một lá thư xác nhận các thông tin về quá trình làm việc của mình và có công chứng. Trong đó nêu rõ thời gian làm việc bao lâu, bao nhiêu tiếng một tuần, nhiệm vụ công việc là gì…